Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Tía ơi, má dzìa – Lòng tía nở hoa …

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012
Đó giờ lười viết, lần nào dạt dào cảm xúc cũng tự nhủ về sẽ viết blog kỉ niệm, số lần xếp xó không viết giờ không nhớ nổi là bao nhiêu nữa rồi : )), nên lần này rảnh, quyết tâm vượt lười một lần Smile with tongue out
Tía ơi, má dzìa – vở kịch này mình đi xem lần này là lần thứ 2. Lần đầu xem ở Nhà hát Bến Thành đợt Tết vừa rồi, kịch buồn man mác miền Tây làm mình đã rưng rưng rồi, mấy ngày sau cứ nhớ mãi cái điệu nhạc trong kịch. Đến lần thứ 2, xem lại ở SK Trần Cao Vân, sân khấu không hoành tráng bằng, nhưng ta nói, coi lại mà rơi nước mắt mấy bận luôn ~.~. Chắc do không gian nhỏ nên cảm xúc đầy hơn, diễn viên diễn ngày càng hay, cộng thêm trời mưa tối rền rĩ, ngồi xem mà não lòng luôn hà.
“Vở kịch Tía ơi... má dzìa bày ra một không gian rặt Nam bộ trên sân khấu với cây cầu khỉ, ụ đất, lu nước, giường tre, cây đờn kìm..., đưa người xem trở về một cù lao ở vùng sông nước miền Tây.
Ở đó có câu chuyện của ông Tư đờn kìm (NSƯT Thành Lộc) suốt 10 năm trời thương nhớ người vợ đột ngột mất tích sau một chuyến phà. Tươi (Xuân Thùy) - cô con gái đầu của ông - cũng vì thương cha mà ở vậy không dám lấy chồng, dù thầy giáo Mộc (Lương Thế Thành) sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang ở Sài Gòn để về cù lao dạy học và chờ đợi cô. Những người chòm xóm thân thiết của ông Tư như bà Tám Diệu (Phi Phụng), ông Sáu Lôi (Ðại Nghĩa) cũng ái ngại cho ông bạn già, ngày ngày sang chơi cơm nước, bầu bạn để ông bớt cô quạnh.
Cuộc sống buồn tẻ cứ ngày ngày trôi qua, dài như một câu hò buồn mà ông Tư vẫn thường ôm đàn ngồi ca, cho đến một ngày ông chợt giật mình nhận ra mình phải đi tìm vợ thay vì cứ ngồi đây thương nhớ. Nếu tìm được vợ rồi, dù sống hay chết thì ông cũng yên lòng...”
Nội dung vở kịch không phải là mới, diễn biến đa phần người xem đều đoán được cả. Vậy mà cảm xúc khi xem được kéo lên, đẩy xuống như đồ thị hình sin : )). Đang cười ra nước mắt, sau đó lặng phắt, rồi bùi ngùi rưng rưng, lại ra nước mắt thì lại làm một cái cười đau ruột. Vở này không có buồn thê lương, nghiệt ngã như hồi Ngô Tuấn- Thoại Khanh trong “Ngàn năm tình sử”, nó xúc động vừa phải và thấm từ từ, đúng cái kiểu buồn của sông nước miền Tây. Diễn viên diễn trong vở này đều trọn vẹn, nhạc kịch thì hay rung rinh :x
[Nội dung sau đây khá nhiều spoiler, nên ai có ý định đi xem vở này nên cân nhắc trước khi đọc nha :D]
Mình rất thích cặp 3 bạn già ông Tư Chơn – ông Sáu Lôi và bà Tám Diệu, chân chất, phóng khoáng, tung hứng có duyên hết sức. Cứ mỗi khi không khí chùng xuống thì Đại Nghĩa và Phi Phụng lại thổi bay lên : )), chóng mặt nhất là khúc 2 người múa “lụa”, với cái kiểu thoại “cái này quen lắm nè, ở trong tuồng nào ta” của Đại Nghĩa.
Ngoài ra còn một nhân vật gây cười quằn quại khác là vai bà Ngọc (Phương Dung) - mẹ của thầy giáo Mộc, diễn kiểu nhà giàu khinh người chuẩn không chê đâu được. Đoạn cuối khi Phương Dung diễn cảnh tạ lỗi với ông Tư Chơn vì đã xúc phạm nhà gái vào 10 năm trước, hóa trang hay và diễn mặt siêu tỉnh, nếu mà kéo dài đoạn này dám khán giả tắc thở vì cười lắm : ))
“Thưa anh sui, xin phép anh sui, cho tôi được ‘sin’ lỗi tất cả những người còn sống, và được ‘sin’ lỗi tất cả những người koooo còn sống… Tươi ah, cho má xin nén nhang trrrầm đi con”  - “Chết rồi, nhà của mình ko có nhang trầm tía” (bên này đang nói nhỏ) – “Má có” (lấy 3 cây nhang thủ sẵn trong người ra =)) )
Phía bên ngược lại, vợ chồng ông Tư Chơn (Thành Lộc) và bà Thắm (Hoàng Trinh) là những vai lấy nước mắt. Hoàng Trinh mặc áo bà ba đẹp ơi là đẹp luôn, áo bà ba tím nữa chứ. Từ lời nói, ánh mắt, cử chỉ đều toát lên được dáng vẻ của người mẹ đau khổ đó. Mình hơi tham lam một tí, vẫn cảm thấy vai này nếu thêm một tí nữa chắc sẽ đẩy cảm xúc người xem tới đỉnh hơn nữa. Cảnh hay nhất của Hoàng Trinh theo mình là lúc gặp 2 đứa con sau 10 năm xa cách, mình thấy cả nước mắt rơi của một anh ngồi trước, bị ấn tượng bởi anh ấy cao, để đầu kiểu kiểu mohican, nhuộm tóc, có vẻ hầm hố.
Vai ông Tư Chơn của chú thì mình để ý từ hồi nghe báo giới thiệu, vì có vài điểm giống ông Tư trong trích đoạn “Dạ cổ hoài lang” ngày xưa. Cũng là ông Tư, cũng dân miệt vườn, cũng tài tử hát hay, cũng người trọng tình cảm, và cũng đau đáu nhớ thương vợ, và cả cái chớp mắt rất đặc trưng mỗi khi chú diễn vai già. Trong vở này, ông Tư Chơn ba lần làm mình rung rinh xúc động.
Lần thứ nhất là khi ông biết tin thuyền chở vợ mình đã bị lật giữa sông, không còn ai sống sót. Cảnh ông lay bà Tám, hỏi cho rõ tin tức về vợ, rồi bàng hoàng, hoảng hốt, vứt cái chậu, chạy ra bến sông, thảng thốt gọi vợ đến lạc giọng. Sau đoạn này chuyển cảnh qua 10 năm sau với giọng chú hát bài này, nó buồn tê tái:
"Mười năm, tui tự hỏi lòng. Người tôi chăn gối, bây giờ còn không?
Nằm nghe thui thủi một mình. Nẻo xưa còn in dấu, bậu giờ còn đâu...
Giữa đêm, nghe tiếng vạc kêu buồn. Lòng nghe đau nhói, nhớ người tình xưa
Đạo nào cao bằng đạo can trường. Vợ chồng xa cách đoạn trường mình ên...
Chắt chiu giọt ngắn, giọt dài. Mình tui ở lại khóc người lìa xa
Chắt chiu giọt ngắn, giọt dài. Mình tui ở lại...với ai bây giờ???..."
Lần thứ hai là đoạn độc thoại hơn 10 phút của chú – ai cũng bảo vợ ông Tư đã chết, nhưng ông không tin điều đó, Ông dọn ra bến sông ở vậy 10 năm, năm nào ngày giỗ cũng mang chiếc áo cưới vợ ra mà nhớ nhung. Cảnh chú độc thoại, vừa kể lại chuyện 2 vợ chồng, vừa hò và trò chuyện với người vợ tưởng tượng trong chiếc áo cưới, cười vui rồi òa khóc, đau đớn đến ngã xuống, khóc than đến tận cùng đau đớn. “Trời ơi, sao im lặng vầy nè? Mình nhớ không mình, là câu nào mình?… Sao mình ko trả lời anh vậy? Như vậy là mình, … mình chết thiệt rồi phải không, mình ơiii …”.  Rạp lúc này im phăng phắc, mưa tự nhiên lại to lên nữa, vọng cả vào sân khấu, tiếng sấm ầm ùng. "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", ta nói coi nhập tâm thôi rồi T.T. Nhạc lại trỗi lên, giọng chú hát nghe đau lòng quá trời luôn =.=
"Ai nhớ ai đêm này?...Chờ nhau, nhớ nhau bao ngày...
Mười năm lòng chẳng phai...Chờ ngóng hoài bóng ai...
Nuôi giấc mơ u hoài...Người đã xa, biết nơi đâu tìm?...
Người đi bỏ tui một mình...Hàng cây mong gió đưa sao lặng thinh...
Người đi áo xưa phai màu...Sầu tương tư hắt hiu đời nhau...
Mong ước đêm sum vầy, mà sao ai vẫn biệt trời mây...”
Lần thứ ba, là khi ông Tư đã chấp nhận chuyện vợ ông đã mất, thì vợ ông lại đột ngột trở về. Chờ đợi mười năm, không tin rằng vợ mình đã mất, khó khăn lắm mới chấp nhận được sự thật là bà không còn sống, ngày ông tổ chức đám cưới cho con gái sau bao năm gián đoạn, thì bà trở về. Lần đầu mình xem hơi bị bất ngờ bởi phản ứng của ông Tư, những tưởng ông sẽ mừng vui tủi tủi như 2 đứa con, đoàn tụ cùng vợ. Ấy vậy mà không, vừa mừng đó, rồi giận đó, pha lẫn uất ức, vì ra đi không thư từ, liên lạc, cảnh chú diễn ông Tư với tâm trạng buồn vui lẫn lộn này rất hay. Hành động của ông Tư khi từ chối và trả áo cưới cho vợ, thiệt làm đau lòng hết sức, mình bị ấn tượng bởi cái dáng đứng cũng như cử chỉ tay khi trả áo, trả áo xong, tay ấn nhẹ đưa áo về phía vợ, đọc dứt 4 câu thơ
Mười năm áo cũ còn hương, Mười năm hoá đá vọng thương người về.
Mười năm mờ mịt hồn quê, Chờ nhau chi nữa trả câu thề cho tui !
Nói xong rồi dứt tay bỏ đi, để bà Thắm đau khổ ở lại. Chuyển cảnh là bà Thắm ra bến sông. Mình xem rất sợ vở này có cái kết là bi kịch, sợ rằng người vợ quá đau khổ mà làm điều chi dại dột. Nhưng cuối cùng đã có một cái kết có hậu, một cái kết rất đẹp khi ông Tư vội vã chèo đò đuổi theo, và 2 người cuối cùng đã trùng phùng sau bao năm xa cách. Sân khấu cảnh cuối thì đẹp lung linh, nhạc bài cuối thì đúng hay luôn và làm mình lậm mất mấy ngày : ))
"Người thương ơi, thương chỉ một người, Cho dẫu tình ngày xưa đơn sơ.
Về đây nghe ai hát câu chờ, Như mối tình ngày xưa nhung nhớ.
Miền quê tôi ai nỡ không về, Cho nắng vàng buồn quanh con đê.
Về đây em chan chứa câu hò, Về đây nghe tiếng ai gọi đò.
Gió đưa miệt vườn đón người phương xa, Tía ơi má dìa lòng tía nở hoa.
Vị tình yêu...vẫn luôn đậm đà, Đợi chờ nhau...hai tiếng vị tha.
Gió xuân đã về tiếng cười xôn xao, Lỡ thương nhau rồi thì gắng chờ nhau.
Ngàn năm sau...tình yêu vẫn nồng, Dù gian nan...vẫn yêu thương chồng..."
Cái kết đúng là làm lòng mình “nở hoa” thiệt, kết thúc nhẹ nhàng nên dù với đủ cung bậc khóc, cười, nhưng xem xong thấy rất sảng khoái và thấm thía ^ ^. Xem lần 2 lại càng thấy hay hơn, hỏi sao mình không yêu kịch nói Sài Gòn cho được :x
Kết cho entry siu dài + lắm chuyện: ra về, để xe trong góc nên không lấy ngay được, đứng chờ tới cuối mới lấy được xe. Bước ra gặp ngay chú, mắt chạm mắt, chú mỉm cười gật đầu chào, so với lần trước gặp sau sân khấu, không thấy khác mấy. Bạn mình thấy chú, bảo: “Hôm nay coi khóc quá trời luôn chú ơi” – Chú (mặc đồ rất là trẻ), quay qua, vỗ tay cái đét, vừa cười vừa chỉ nói: “Haha, bị dụ” . Trời ơi, ông Tư Chơn mới mấy phút trước nhớ thương vợ đây đó hả, sao nhận hông ra ta. Hỏi sao không trẻ lâu, hỏi sao mà người ta … không thích cho được : ))
[Clip này do mình ghi âm một phần và tổng hợp từ nhiều nguồn, làm để kỷ niệm ]


Poster Tia oi ma dzia