Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Trích đoạn kịch Dạ Cổ Hoài Lang

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Da co hoai lang - Phieu Linh Loc

[Ảnh từ Phiêu Linh Lộc]

Trích đoạn vở "Dạ cổ hoài lang" - NSƯT Thành Lộc cùng NSƯT Việt Anh biểu diễn lại sau 15 năm trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam -- 30 năm thành lập Hội Sân khấu TPHCM và 3 năm Ngày Sân khấu Việt Nam" (11-10-2012)

Mình thích vở này từ lâu, dù mới chỉ được xem trích đoạn trong đĩa tư liệu, nên khi nghe 2 chú sẽ diễn lại, là ngóng coi. Sau vài lần lỡ hẹn vì nhà đài, thì cũng đã xem được, ghi lại làm kỉ niệm là một, và cho ai đó xem lại là hai Smile (tiếc là không có máy thu nên chất lượng không được cao). Cái ôm ông Tư của ông Năm lúc cuối vở có lẽ sẽ là hình ảnh theo mình lâu thiệt lâu sau này, và cả giọng hát mộc cái bài này nữa… “Từ … là từ phu tướng …”

 

P/s [chuyện chẳng liên quan]: lúc ngồi upload clip này, tình cờ ngồi nói chuyện với một bạn ABC, đã lâu lắm rồi không gặp, cũng chỉ gặp lướt qua nhau trong biển người được hai lần trước đó. Bắt đầu câu chuyện cũng là từ cái blog này mà ra, và không ngờ là kéo dài tới hơn hai tiếng sau Smile. Vẫn là ở một chữ duyên, bạn nhỉ? Duyên có giữ được lâu dài không chỉ có tương lai mới biết, chỉ biết là giờ trong biển người, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nhau, vì cùng tần số, và bạn không còn chỉ là người quen lướt qua trong cả mớ người mình gặp hằng ngày ở thời buổi network rộng lớn như thế này, ít ra thì đã có cái gì đó rất riêng để nhớ ^ ^

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Bí Mật Vườn Lệ Chi–Vua Thánh Triều Lê

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

523748_10151029369234486_1270224554_n

Kỷ niệm 15 năm sân khấu lịch Idecaf, đi xem liền một mạch 2 vở kịch lịch sử, nhiều điều đọng lại chả biết viết bao nhiêu cho đủ, nên gõ lại thoại những đoạn mình ấn tượng thôi vậy : )

Bí Mật Vườn Lệ Chi:

523969_10151020629119486_1931007779_n

“Nhưng một ngày kia, rồi lệnh bà sẽ hối hận” " Một ngai vàng dựng lên bằng máu, không tránh khỏi sẽ lại sụp đổ trong máu mà thôi ! " – gián nghị đại phu Nguyễn Trãi

“Người ta sẽ giết con và giết cả mẹ nữa. Một ngày nào đó mai sau, đây là quả báo!” – Bang Cơ

“Con người ta rồi thì ai cũng phải đến lúc chết. Hạ thần đây, rồi cũng phải đến lúc hạ thần chết. Thái hậu rồi cũng phải đến lúc chết… Nguyễn Trãi thì không… Nguyễn Trãi không chết… Nguyễn Trãi cứ mãi sống trong lòng muôn dân… KHÔNG! Nguyễn Trãi phải chết thôi! Nguyễn Trãi không có quyền được sống, NGUYỄN TRÃI KHÔNG CÓ QUYỀN ĐƯỢC …” – Tổng quản nội quan Tạ Thanh

“Lòng ta xui ta, cả nước xui ta, đạo làm người xui ta. Bè đảng của ta à, là tất cả những ai biết hiếu trung, biết khinh tài trọng nghĩa, biết chống lại gian tà để giữ lấy đạo ngay. Chính các người, chính các người đã giết hại vua, các người đã giết Thùy Liên hòng đổ tội cho quan gián nghị đại phu!” … “CHÍNH BỌN HOẠN QUAN ĐÃ GIẾT VUA” - Cung nhân trẻ

“TRỜI ƠIIII, SAN HÀ XÃ TẮC … NGẢ NGHIÊNG THẬT RỒI” – Nguyễn Trãi

“Ta yêu Tùng. Vì Tùng vươn cao mọc thẳng;
Ta yêu Tùng. Vì Tùng sâu gốc bền cành;
Ta yêu Tùng. Vì Tùng trong phong ba đứng vững;
Ta yêu Tùng. Vì trăm năm Tùng vẫn tươi xanh;

Tuyết sương năm tháng luyện mình,
Phục linh, hổ phách, trường sinh giúp đời!

“Ta yêu Phong Lan. Dịu dàng, diễm lệ
Ta yêu Phong Lan. Sắc thắm muôn màu
Ta yêu Phong Lan. Cuộc đời bình dị
Ta yêu Phong Lan. Hương ngát rừng sâu

Tươi Lan tươi vẹn trước sau
Thơm Lan thơm cả cung sầu, nhịp vui!…”

- Nguyễn Trãi

 

“Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người”

Vua Thánh Triều Lê:

208948_10151021826829486_295734659_n

“Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” – “Lê Lợi vi vương, Nguyễn Trãi vi thần” – Vua Lê Thánh Tông.

“Vương Đạo lấy chính nghĩa chăn dân
Bá Đạo dùng thủ thuật trị nước
Vương Đạo lo nghĩ an nguy toàn dân tộc
Bá Đạo toan tính được mất cho bản thân
Vương Đạo lấy lợi ích trước hết vì chúng dân
Bá Đạo lo chức quyền của mình là trên hết
Vương Đạo đặt ra luật để chu toàn phép nước
Bá Đạo sử dụng luật để củng cố đặc quyền
Vương Đạo kêu gọi chúng dân trên dưới một lòng
Bá Đạo lừa dối chúng dân trước sau được việc
Vương Đạo lấy dân làm gốc
Bá Đạo xây quyền chức làm nền
Vương Đạo khi nước nguy không tiếc thân mình
Bá Đạo chờ nước thịnh nhảy vào trục lợi
Với Vương Đạo, tà đạo luôn trốn tránh
Với Bá Đạo, tà đạo vẫn cận kề
Bậc minh quân phải toan tính trăm bề
Theo Vương đạo, xa Bá đạo để trừ tà đạo”

- Trị Quốc sách – thoại: vua Lê Thánh Tông

“Vương đạo với Bá đạo thì có nghĩa gì! Không xây quyền chức làm nền thì lấy đâu ra cung đài dinh thự, ăn trên ngồi trước, tiền hô hậu ủng! Bọn dân đen, bọn dân đen chỉ có cái mồm, bịt lại là xong! Chẳng qua hồi còn giặc Minh, các ông phải ở trên rừng trên núi, không ra được khỏi đất Lam Sơn nên phải dựa vào dân lấy dân làm gốc. Chứ giờ đây, đất nước đã thái bình, thì làm gì có chuyện lấy dân làm gốc.” – Lê Lục

“CÓ OAN KHÔNGG?” – Vua Lê Thánh Tông. “OANNN” – quốc công Nguyễn Lê

“Đức vua đã khiến thần sau bao nhiêu năm trèo lên đỉnh quyền lực, nay được trở lại làm kẻ SĨ” – Nguyễn Lê

-------------

Ban đầu tính quote thôi ko viết, nhưng thuận tay làm vài dòng kể lể, chứ ko viết cảm nhận vì lắm thứ ngổn ngang ^^

Những lời thoại đậm chất lịch sử xưa và nhiều từ Hán Việt như vậy có lẽ hơi xa lạ với một người trẻ như mình (23 tuổi chắc cũng trẻ vừa vừa chứ hen). Ngày xưa học sử, cũng biết Nguyễn Trãi, Lê Lợi – Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, triều Lê… học văn, cũng biết Bình Ngô đại cáo, cũng biết án oan Lệ Chi Viên. Nhưng để tiếp thu hết những điều này thiệt ko dễ. Bây giờ thì những điều này sẽ ở lâu trong đầu của mình hơn, cả những nhân vật như thần phi Nguyễn Thị Anh, Tiệp dư Ngọc Dao mà ngày xưa mình không biết tới. Cả những chi tiết như “Lê Lợi vi vương, Nguyễn Trãi vi thần” nữa. Lịch sử Việt Nam không phải không hay, không phải không có nhiều điều để kể, và không phải không có nhiều nhân vật kiệt xuất. Sân khấu kịch đã mang những Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, và cả Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt – Ngàn năm tình sử) … đến cho những khán giả trẻ như mình một cách rất thật, rất người : ).  Thú thật là đám tụi mình khi biết đến vở kịch lịch sử thì động tác đầu tiên là đi search về nhân vật đó qua mạng (bệnh nghề nghiệp ; ))) , nhờ vậy vô tình biết thêm được nhiều giai thoại nho nhỏ thú vị. Vậy mà hồi xưa đi học sao không vậy ta : )). Đúng là có tác động và làm nên từng thay đổi nhỏ lên đám trẻ tụi mình thật : )

Về xưa là nhớ lịch sử và tự hào :D, nhưng trong chuyện xưa vẫn mang cả hơi thở đương đại, về nay cũng có lắm điều đáng nghĩ qua những gì vở kịch gửi gắm. Biến những điều đúng nhưng có phần khô cứng kia trở nên dễ lĩnh hội hơn, biến những nhận vật lịch sử xa vời trở nên gần gũi hơn, để đưa đến tới khán giả, mình cám ơn lắm những người nghệ sĩ, trân trọng những điều họ cống hiến qua từng đêm. : )

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

5 điều còn lại

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012
  1. Ly nước dừa ngọt mát lạnh giữa trưa nóng oi oi, và duỗi dài người trên võng sau giờ dài ngồi trên xe máy tại quán dừng chân ven đường.
  2. Tiếng sóng nước ì oạp dưới mái chèo trong rạch nhỏ, dừa nước xanh ngút, gió mát lồng lộng.
  3. Nghe “Trên đất giồng mình trồng khoai lang …”
  4. Mật ong cùng phấn hoa pha lẫn trà nóng và tắc, thơm nức mũi.
  5. Cá tai tượng chiên giòn quấn bánh tráng chấm mắm me, lúc đói meo.
Điều cuối ngày (hơi không liên quan): tắm nước nóng sau một ngày mỏi toàn thân : ))
200 km ngược xuôi xe máy trong ngày, đáng không ta? Mình thì thấy … đáng : ))
Sông nước miền Tây - cầu Rạch Miễu

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Tía ơi, má dzìa – Lòng tía nở hoa …

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012
Đó giờ lười viết, lần nào dạt dào cảm xúc cũng tự nhủ về sẽ viết blog kỉ niệm, số lần xếp xó không viết giờ không nhớ nổi là bao nhiêu nữa rồi : )), nên lần này rảnh, quyết tâm vượt lười một lần Smile with tongue out
Tía ơi, má dzìa – vở kịch này mình đi xem lần này là lần thứ 2. Lần đầu xem ở Nhà hát Bến Thành đợt Tết vừa rồi, kịch buồn man mác miền Tây làm mình đã rưng rưng rồi, mấy ngày sau cứ nhớ mãi cái điệu nhạc trong kịch. Đến lần thứ 2, xem lại ở SK Trần Cao Vân, sân khấu không hoành tráng bằng, nhưng ta nói, coi lại mà rơi nước mắt mấy bận luôn ~.~. Chắc do không gian nhỏ nên cảm xúc đầy hơn, diễn viên diễn ngày càng hay, cộng thêm trời mưa tối rền rĩ, ngồi xem mà não lòng luôn hà.
“Vở kịch Tía ơi... má dzìa bày ra một không gian rặt Nam bộ trên sân khấu với cây cầu khỉ, ụ đất, lu nước, giường tre, cây đờn kìm..., đưa người xem trở về một cù lao ở vùng sông nước miền Tây.
Ở đó có câu chuyện của ông Tư đờn kìm (NSƯT Thành Lộc) suốt 10 năm trời thương nhớ người vợ đột ngột mất tích sau một chuyến phà. Tươi (Xuân Thùy) - cô con gái đầu của ông - cũng vì thương cha mà ở vậy không dám lấy chồng, dù thầy giáo Mộc (Lương Thế Thành) sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang ở Sài Gòn để về cù lao dạy học và chờ đợi cô. Những người chòm xóm thân thiết của ông Tư như bà Tám Diệu (Phi Phụng), ông Sáu Lôi (Ðại Nghĩa) cũng ái ngại cho ông bạn già, ngày ngày sang chơi cơm nước, bầu bạn để ông bớt cô quạnh.
Cuộc sống buồn tẻ cứ ngày ngày trôi qua, dài như một câu hò buồn mà ông Tư vẫn thường ôm đàn ngồi ca, cho đến một ngày ông chợt giật mình nhận ra mình phải đi tìm vợ thay vì cứ ngồi đây thương nhớ. Nếu tìm được vợ rồi, dù sống hay chết thì ông cũng yên lòng...”
Nội dung vở kịch không phải là mới, diễn biến đa phần người xem đều đoán được cả. Vậy mà cảm xúc khi xem được kéo lên, đẩy xuống như đồ thị hình sin : )). Đang cười ra nước mắt, sau đó lặng phắt, rồi bùi ngùi rưng rưng, lại ra nước mắt thì lại làm một cái cười đau ruột. Vở này không có buồn thê lương, nghiệt ngã như hồi Ngô Tuấn- Thoại Khanh trong “Ngàn năm tình sử”, nó xúc động vừa phải và thấm từ từ, đúng cái kiểu buồn của sông nước miền Tây. Diễn viên diễn trong vở này đều trọn vẹn, nhạc kịch thì hay rung rinh :x
[Nội dung sau đây khá nhiều spoiler, nên ai có ý định đi xem vở này nên cân nhắc trước khi đọc nha :D]
Mình rất thích cặp 3 bạn già ông Tư Chơn – ông Sáu Lôi và bà Tám Diệu, chân chất, phóng khoáng, tung hứng có duyên hết sức. Cứ mỗi khi không khí chùng xuống thì Đại Nghĩa và Phi Phụng lại thổi bay lên : )), chóng mặt nhất là khúc 2 người múa “lụa”, với cái kiểu thoại “cái này quen lắm nè, ở trong tuồng nào ta” của Đại Nghĩa.
Ngoài ra còn một nhân vật gây cười quằn quại khác là vai bà Ngọc (Phương Dung) - mẹ của thầy giáo Mộc, diễn kiểu nhà giàu khinh người chuẩn không chê đâu được. Đoạn cuối khi Phương Dung diễn cảnh tạ lỗi với ông Tư Chơn vì đã xúc phạm nhà gái vào 10 năm trước, hóa trang hay và diễn mặt siêu tỉnh, nếu mà kéo dài đoạn này dám khán giả tắc thở vì cười lắm : ))
“Thưa anh sui, xin phép anh sui, cho tôi được ‘sin’ lỗi tất cả những người còn sống, và được ‘sin’ lỗi tất cả những người koooo còn sống… Tươi ah, cho má xin nén nhang trrrầm đi con”  - “Chết rồi, nhà của mình ko có nhang trầm tía” (bên này đang nói nhỏ) – “Má có” (lấy 3 cây nhang thủ sẵn trong người ra =)) )
Phía bên ngược lại, vợ chồng ông Tư Chơn (Thành Lộc) và bà Thắm (Hoàng Trinh) là những vai lấy nước mắt. Hoàng Trinh mặc áo bà ba đẹp ơi là đẹp luôn, áo bà ba tím nữa chứ. Từ lời nói, ánh mắt, cử chỉ đều toát lên được dáng vẻ của người mẹ đau khổ đó. Mình hơi tham lam một tí, vẫn cảm thấy vai này nếu thêm một tí nữa chắc sẽ đẩy cảm xúc người xem tới đỉnh hơn nữa. Cảnh hay nhất của Hoàng Trinh theo mình là lúc gặp 2 đứa con sau 10 năm xa cách, mình thấy cả nước mắt rơi của một anh ngồi trước, bị ấn tượng bởi anh ấy cao, để đầu kiểu kiểu mohican, nhuộm tóc, có vẻ hầm hố.
Vai ông Tư Chơn của chú thì mình để ý từ hồi nghe báo giới thiệu, vì có vài điểm giống ông Tư trong trích đoạn “Dạ cổ hoài lang” ngày xưa. Cũng là ông Tư, cũng dân miệt vườn, cũng tài tử hát hay, cũng người trọng tình cảm, và cũng đau đáu nhớ thương vợ, và cả cái chớp mắt rất đặc trưng mỗi khi chú diễn vai già. Trong vở này, ông Tư Chơn ba lần làm mình rung rinh xúc động.
Lần thứ nhất là khi ông biết tin thuyền chở vợ mình đã bị lật giữa sông, không còn ai sống sót. Cảnh ông lay bà Tám, hỏi cho rõ tin tức về vợ, rồi bàng hoàng, hoảng hốt, vứt cái chậu, chạy ra bến sông, thảng thốt gọi vợ đến lạc giọng. Sau đoạn này chuyển cảnh qua 10 năm sau với giọng chú hát bài này, nó buồn tê tái:
"Mười năm, tui tự hỏi lòng. Người tôi chăn gối, bây giờ còn không?
Nằm nghe thui thủi một mình. Nẻo xưa còn in dấu, bậu giờ còn đâu...
Giữa đêm, nghe tiếng vạc kêu buồn. Lòng nghe đau nhói, nhớ người tình xưa
Đạo nào cao bằng đạo can trường. Vợ chồng xa cách đoạn trường mình ên...
Chắt chiu giọt ngắn, giọt dài. Mình tui ở lại khóc người lìa xa
Chắt chiu giọt ngắn, giọt dài. Mình tui ở lại...với ai bây giờ???..."
Lần thứ hai là đoạn độc thoại hơn 10 phút của chú – ai cũng bảo vợ ông Tư đã chết, nhưng ông không tin điều đó, Ông dọn ra bến sông ở vậy 10 năm, năm nào ngày giỗ cũng mang chiếc áo cưới vợ ra mà nhớ nhung. Cảnh chú độc thoại, vừa kể lại chuyện 2 vợ chồng, vừa hò và trò chuyện với người vợ tưởng tượng trong chiếc áo cưới, cười vui rồi òa khóc, đau đớn đến ngã xuống, khóc than đến tận cùng đau đớn. “Trời ơi, sao im lặng vầy nè? Mình nhớ không mình, là câu nào mình?… Sao mình ko trả lời anh vậy? Như vậy là mình, … mình chết thiệt rồi phải không, mình ơiii …”.  Rạp lúc này im phăng phắc, mưa tự nhiên lại to lên nữa, vọng cả vào sân khấu, tiếng sấm ầm ùng. "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", ta nói coi nhập tâm thôi rồi T.T. Nhạc lại trỗi lên, giọng chú hát nghe đau lòng quá trời luôn =.=
"Ai nhớ ai đêm này?...Chờ nhau, nhớ nhau bao ngày...
Mười năm lòng chẳng phai...Chờ ngóng hoài bóng ai...
Nuôi giấc mơ u hoài...Người đã xa, biết nơi đâu tìm?...
Người đi bỏ tui một mình...Hàng cây mong gió đưa sao lặng thinh...
Người đi áo xưa phai màu...Sầu tương tư hắt hiu đời nhau...
Mong ước đêm sum vầy, mà sao ai vẫn biệt trời mây...”
Lần thứ ba, là khi ông Tư đã chấp nhận chuyện vợ ông đã mất, thì vợ ông lại đột ngột trở về. Chờ đợi mười năm, không tin rằng vợ mình đã mất, khó khăn lắm mới chấp nhận được sự thật là bà không còn sống, ngày ông tổ chức đám cưới cho con gái sau bao năm gián đoạn, thì bà trở về. Lần đầu mình xem hơi bị bất ngờ bởi phản ứng của ông Tư, những tưởng ông sẽ mừng vui tủi tủi như 2 đứa con, đoàn tụ cùng vợ. Ấy vậy mà không, vừa mừng đó, rồi giận đó, pha lẫn uất ức, vì ra đi không thư từ, liên lạc, cảnh chú diễn ông Tư với tâm trạng buồn vui lẫn lộn này rất hay. Hành động của ông Tư khi từ chối và trả áo cưới cho vợ, thiệt làm đau lòng hết sức, mình bị ấn tượng bởi cái dáng đứng cũng như cử chỉ tay khi trả áo, trả áo xong, tay ấn nhẹ đưa áo về phía vợ, đọc dứt 4 câu thơ
Mười năm áo cũ còn hương, Mười năm hoá đá vọng thương người về.
Mười năm mờ mịt hồn quê, Chờ nhau chi nữa trả câu thề cho tui !
Nói xong rồi dứt tay bỏ đi, để bà Thắm đau khổ ở lại. Chuyển cảnh là bà Thắm ra bến sông. Mình xem rất sợ vở này có cái kết là bi kịch, sợ rằng người vợ quá đau khổ mà làm điều chi dại dột. Nhưng cuối cùng đã có một cái kết có hậu, một cái kết rất đẹp khi ông Tư vội vã chèo đò đuổi theo, và 2 người cuối cùng đã trùng phùng sau bao năm xa cách. Sân khấu cảnh cuối thì đẹp lung linh, nhạc bài cuối thì đúng hay luôn và làm mình lậm mất mấy ngày : ))
"Người thương ơi, thương chỉ một người, Cho dẫu tình ngày xưa đơn sơ.
Về đây nghe ai hát câu chờ, Như mối tình ngày xưa nhung nhớ.
Miền quê tôi ai nỡ không về, Cho nắng vàng buồn quanh con đê.
Về đây em chan chứa câu hò, Về đây nghe tiếng ai gọi đò.
Gió đưa miệt vườn đón người phương xa, Tía ơi má dìa lòng tía nở hoa.
Vị tình yêu...vẫn luôn đậm đà, Đợi chờ nhau...hai tiếng vị tha.
Gió xuân đã về tiếng cười xôn xao, Lỡ thương nhau rồi thì gắng chờ nhau.
Ngàn năm sau...tình yêu vẫn nồng, Dù gian nan...vẫn yêu thương chồng..."
Cái kết đúng là làm lòng mình “nở hoa” thiệt, kết thúc nhẹ nhàng nên dù với đủ cung bậc khóc, cười, nhưng xem xong thấy rất sảng khoái và thấm thía ^ ^. Xem lần 2 lại càng thấy hay hơn, hỏi sao mình không yêu kịch nói Sài Gòn cho được :x
Kết cho entry siu dài + lắm chuyện: ra về, để xe trong góc nên không lấy ngay được, đứng chờ tới cuối mới lấy được xe. Bước ra gặp ngay chú, mắt chạm mắt, chú mỉm cười gật đầu chào, so với lần trước gặp sau sân khấu, không thấy khác mấy. Bạn mình thấy chú, bảo: “Hôm nay coi khóc quá trời luôn chú ơi” – Chú (mặc đồ rất là trẻ), quay qua, vỗ tay cái đét, vừa cười vừa chỉ nói: “Haha, bị dụ” . Trời ơi, ông Tư Chơn mới mấy phút trước nhớ thương vợ đây đó hả, sao nhận hông ra ta. Hỏi sao không trẻ lâu, hỏi sao mà người ta … không thích cho được : ))
[Clip này do mình ghi âm một phần và tổng hợp từ nhiều nguồn, làm để kỷ niệm ]


Poster Tia oi ma dzia

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Nếu biết trăm năm là hữu hạn–Phạm Lữ Ân

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Phạm Lữ Ân là bút danh chung của đôi vợ chồng Phạm Công Luận – Đặng Nguyễn Đông Vy. “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là sách đầu tiên mình biết được xuất bản dưới bút danh này. Mình thích sáng tác của Phạm Lữ Ân từ rất lâu rồi, qua những trang báo 2! ngày trước. Hồi đó mình và con bạn thân cứ thắc mắc mãi, viết hay vậy sao ko ra sách nhỉ, ra cái là 2 đứa mần ngay : )). Và nay đã được toại nguyện :x

40 truyện ngắn trong sách, đa phần là truyện đã đọc (trên báo - trên mạng), nhưng vẫn cứ làm mình say, giống như lâu ngày gặp lại bạn thân, hỉ hả tâm sự. Cứ thế, cuộc tao ngộ với người bạn này cuốn mình đi với những cung bậc cảm xúc khác nhau, vẫn vẹn nguyên tình cảm như xưa :x. Chắc sẽ còn quay lại đọc nhiều, nên quick note làm của để dành ^^

“Khi đọc cuốn tiểu thuyết Suối nguồn dày gần 1200 trang của Ayn Rand, tôi chỉ nhớ có 1 câu duy nhất: “Nếu muốn nói “Anh yêu em” thì phải nói Anh trước đã.” Tôi yêu thích triết lý đó quá chừng. Vì nó làm tôi vỡ ra nhiều thứ, giống như bài học về hạnh phúc của thầy tôi. Rằng để yêu người thì trước hết chúng ta phải biết yêu mình, phải trân trọng và giữ gìn niềm hạnh phúc của chính mình. Rằng ta phải bồi đắp chính bản thân ta thành một con người tốt đẹp và cảm nhận được niềm hạnh phúc, trước khi nghĩ đến việc mang đến hạnh phúc cho bất cứ ai hay đóng góp điều tốt đẹp gì cho xã hội.

Bởi vì, em biết đó, chúng ta không thể mang đến cho người khác thứ mà ta không có.”

trích “Đơn giản chỉ là hạnh phúc”

“Ít hay nhiều, khi rơi vào sự cô độc, chúng ta đều cảm thấy tâm hồn mình chỉ còn là một khoảng không đáng sợ, và ta tự hỏi:”Phải làm sao để lấp đầy khoảng trống này đây?”

…Nhưng, bạn biết không, những khoảng trống đó không phải để lấp đầy…

…Bản chất con người vốn cô đơn. Đó là sự thật. Tất cả mọi người đều có lúc cảm thấy cô độc. Cả những người cởi mở, vui tính nhất hay những ngừoi, đang chìm đắm trong hạnh phúc vô biên, vẫn luôn có những khoảnh khắc ko thể chia sẻ cùng ai. Những khoảng trống mà ở đó chỉ mình ta đối diện với chính ta. Không phải vì chia tay một người bạn, hay mất đi một người thân, hay khi một mối tình tan vỡ thì nó mới xuất hiện. Khoảng trống đã có sẵn ở đó rồi. Luôn luôn ở đó, trong mọi con người”

trích “Những khoảng trống không phải để lấp đầy”

“Có bao nhiêu lần cha và con trai nhìn vào mắt nhau để nhìn thấy tình thương tràn đầy trong đó? Hay chỉ nhìn vào mắt nhau những khi đối đầu? Như Charles Wadsworth nói “Lúc mà một người đàn ông nhận ra rằng cha mình có lẽ đã đúng, thường thì ông ta có một đứa con trai nghĩ rằng ông ta đã sai””

trích “Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng”

“Đừng nôn nóng khi nhìn thấy những loài cây khác đã khoe lá khoe hoa. Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Hãy tận dụng khoảng ngừng lặng này để bồi đắp cho chính mình và học cách khám phá điều sẽ xảy ra. Nếu em biết suy tư, khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa.
Vì thế, dù cuộc sống có trôi nhanh biết mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng thời gian cho sự đợi chờ. Không chỉ như chờ đèn xanh bật sáng ở ngã tư, mà như chờ rượu chín rồi hãy uống.
Như chờ tình đến rồi hãy yêu.”

trích “Như chờ tình đến rồi hãy yêu”

“Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau. Đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh “Ngôn ngữ là cội nguồn của mọi ngộ nhận.”

Và buồn thay, đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi. “

trích “Đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi”

“Trái tim vốn là một tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực…nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng mình sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc.”

trích “Hãy nói yêu thôi - Đừng nói yêu mãi mãi”

“Giữa những người lạ, ta cần một người quen. Giữa những người quen, ta cần một người yêu. Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu. Giữa những người hiểu, ta cần một người tin. Tin và được tin. Như thế, yêu chưa phải là “kết cục có hậu” của một đời người. Yêu, mới chỉ là một nửa chặng đường dài mà thôi.”

trích “Bởi vì ta là con người”

“Nhưng dù chúng ta hoá trang vì mục đích gì thì vẫn có một sự thật không thay đổi: con người mà ta thể hiện gần với con người thật của ta chừng nào thì những mối quan hệ của ta nhiều khả năng bền vững chừng nấy. Em thể hiện càng gần với bản chất của mình bao nhiêu thì càng có nhiều cơ hội yêu được đúng người bấy nhiêu…
Đó chính là lý do để cô ngựa vằn chẳng việc gì phải tìm cách khoác lên mình bộ lông báo đốm.”

trích “Khi cô ngựa vằn khoác lên mình bộ lông báo đốm”

“Mary Tyler Moore đã nói rằng “Đôi khi, bạn phải quen biết một người thật sâu sắc mới có thể nhận ra đó là một người hoàn toàn xa lạ”. Cuộc sống đang chảy về phía trước. Em đổi thay và bạn cũng đổi thay. Sự chia xa âu cũng là lẽ thường tình của đời sống, có rồi lại mất, đến rồi lại đi. Vì thế sẽ có những tình bạn keo sơn kéo dài đến tận khi ta xa lìa cuộc đời với mái đầu bạc trắng, nhưng cũng có những người chỉ gắn kết với nhau trong một đoạn đời nào đó rồi thôi.”

trích Dư vị từ những tình bạn đã nhạt nhòa”

“Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn sẽ luôn thấy mình đã sống rất sâu.

Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?”

trích “ Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn…”

Sách mỏng thôi, nhưng không đọc nhanh được. Đọc xong, tiếc ngẩn ngơ vì đã hết. Đọc “Sự hữu hạn của cảm xúc”, hy vọng rằng “con người ấy sẽ quay lại” với những cảm xúc rất thật như ngày nào : )

neubiettramnamlahuuhan_0x0_w_b-300x350